Căn hộ nhỏ xinh sở hữu góc nào cũng xanh tươi của nữ giảng viên đại học Bách Khoa Hà Nội
Chị Thái Hà hiện đang là Giảng viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài công việc giảng dạy, chị có niềm vui đặc biệt với cây lá, với decor trang trí nhà.
Đó cũng là lý do mọi góc nhỏ trong không gian sống trên cao của gia đình chị được bày biện, trang trí đẹp mắt, ưa nhìn. Đặc biệt hơn, chị dành tình yêu cho góc bếp nhỏ, nơi nối liền với khoảng ban công nhiều ánh sáng và cây xanh.
Chị Thái Hà là một người yêu thiên nhiên, đó cũng là lý do chị thích thú với việc chăm sóc cây ở ban công, làm đẹp từng góc nhỏ trong nhà với sự hiện diện của cây xanh.
Chị Thái Hà cho biết: "Mình yêu thích chăm sóc nhà cửa, đặc biệt là tạo nên những "mảnh ghép nho nhỏ" để khi nhìn vào bất kỳ góc nhỏ nào trong nhà, mình đều cảm thấy vui vẻ bởi căn nhà luôn là nơi ấm áp, nơi mình muốn trở về sau một ngày bận rộn, chuyên tâm cho công việc".
Những góc nhiều cây xanh trong bếp.
Phụ nữ thường yêu thích những góc bếp và chị Thái Hà cũng không phải ngoại lệ. "Phụ nữ suốt ngày quanh quẩn góc bếp, tại sao không biến góc này thành góc yêu thương và làm dịu những ngày nóng hay ấm áp những ngày lạnh mùa đông.
Mỗi lần mệt mỏi, chỉ cần một cốc trà nóng hay một cốc cafe thơm thơm nơi xó bếp nhỏ tí này là thấy bình yên. Thực ra cảm giác yên ổn ấm áp không ở đâu xa, chỉ cần gom lại từ những thứ be bé quanh mình mỗi ngày mà thôi. Không biết mọi người thế nào nhưng với mình, mỗi khi mệt mỏi hay tụt cảm xúc chỉ cần đi mua cây, về cặm cụi trồng cây là lại quên hết", chị Thái Hà bộc bạch.
Chị Hà còn trồng nhiều cây và hoa ở ban công.
Trong căn hộ bé xinh của chị Thái Hà, chị ưu ái nhất là góc nấu nướng. Khu vực bếp kết nối trực tiếp với ban công, nơi có nhiều ánh sáng. Chị tận dụng ngay khoảng tường có nhiều ánh sáng, đối diện với bếp để trang trí trên tường, bố trí thêm bàn nho nhỏ và chiếc ghế để được thưởng trà, ngắm nhìn các loại cây trong bếp cũng như ngoài ban công khi rảnh rỗi.
Với góc nấu nướng, chị Thái Hà thường chọn cây nhỏ và thích hợp với điều kiện sống trong nhà. Khi ghép các cây tạo thành một chậu hỗn hợp, chị thường chọn các cây cùng loại với nhau để trồng xen nhau. Ví dụ loại ưa nước thì trồng với loại ưa nước, loại ưa khô xen với loại ưa khô. Cách làm này vừa giúp tạo nên những "cụm cây" đẹp mắt với nhiều hình dáng lá khác nhau. Hơn nữa, trồng cây phân loại cũng là cách giúp việc chăm sóc được dễ dàng hơn.
Chia sẻ bí quyết chăm cây, chị Thái Hà cho biết: "Tùy từng loại cây, hiểu được đặc tính của cây mình trồng sẽ giúp việc chăm sóc được dễ dàng hơn. Chậu chân gỗ được trồng các cây lá xanh và có hoa nên mình tưới thường xuyên, cỡ 1 cốc uống nước cho cả chậu. Với sen đá và lưỡi hỗ ưa khô nên 1 tuần mình tưới 1 - 2 lần. Lưỡi hổ cần nhiều nước hơn sen đá nên mình tưới vào gốc cây lưỡi hổ thì sẽ giữ ẩm cho cả chậu".
Khi ghép cây, chị Hà thường ghép cây cao phía sau và thấp dần ra phía trước, có mềm có cứng, có cây xòe cây cụp để cân đối chậu cây. Với các cây lá xanh, chị lại tìm loại cây thích hợp trồng trong nhà để ghép cùng nhau.
Khi trồng xong, chị để ngoài trời khoảng vài tuần giúp cây hấp thụ đủ nắng gió, bám rễ chắc rồi mới đưa vào nhà. Riêng chậu dương xỉ và lưỡi hổ thì 2 ngày chị tưới 1 lần vì ưa nước hơn. Thường thì giống sen đá và xương rồng ưa nắng nên chị chọn chỗ có nắng và ánh sáng tự nhiên, thỉnh thoảng đưa ra ngoài ban công để cây có thể bền đẹp mà không chết.
Với chị Hà, trồng hoa, trồng cây ở ban công, bếp hay phòng khách đều là cách để giúp mọi người trong gia đình được kết nối với thiên nhiên. Cuộc sống trên tầng cao vẫn luôn ngập tràn sự thoải mái, hứng khởi khi được gần gũi với cây cối, được ngắm hoa, ngắm cây sau mỗi ngày bận rộn trở về.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét